Rong nâu giàu vitamin và khoáng chất, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, bạn có thể sử dụng thực phẩm này hàng ngày. 

Rong nâu được người Nhật đưa vào chế độ ăn hàng ngày, làm sushi cuộn, nấu súp, hầm canh, trộn salad hoặc sấy khô... Theo Health Line, rong nâu không chỉ dồi dào dinh dưỡng, mà còn có nhiều công dụng cho sức khỏe. 

Dồi dào vitamin, khoáng chất có lợi  

Rong nâu không chỉ làm tăng hương vị món ăn, mà còn bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể. Một thìa rong nâu sấy khô (7g) có thể cung cấp 4 g protein chất lượng cao, 11% sắt, 21% đồng, 15% riboflavin, 7% mangan; các vitamin A, C, E, K, B12, chất béo omega-3, nhiều acid amin thiết yếu cho cơ thể.

Chứa iốt và tyrosine hỗ trợ tuyến giáp 

Tuyến giáp dựa vào iốt để tiết ra kích thích tố giúp kiểm soát tăng trưởng, sản xuất năng lượng, sinh sản và sửa chữa các tế bào hư hỏng trong cơ thể. Rong nâu có chứa một loại acid amin tên tyrosine, kết hợp với iốt tạo hormone hỗ trợ tuyến giáp hoạt động. Chế độ ăn uống khuyến nghị là 150 mcg iốt mỗi ngày. Một gram rong nâu wakame khô chứa 139mcg iốt.

 

Các món ăn từ rong biển.

Chứa chất chống oxy hóa

Rong nâu wakame không chỉ giàu iốt, mà phần gốc và rễ còn chứa hợp chất mekabufucoidan có khả năng góp phần ức chế tế bào ung thư, hỗ trợ ức chế hình thành cục máu đông, làm giảm huyết áp, nguy cơ đột quỵ.  

Loại rong nâu bladder wrack thì chứa hợp chất fucus fucoidan hỗ trợ làm chậm sự phát triển của khối u đại trực tràng, ung thư vú. Còn rong nâu mozuku giàu mozuku fucoidan, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh, góp phần làm giảm kích thước khối u. 

Ngoài fucoidan, rong nâu còn chứa các chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào như flavonoid và carotenoid. Carotenoid có khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 13,5 lần vitamin E, được tìm thấy nhiều trong rong nâu wakame. 

 

Ba loại rong nâu. 

Giàu chất xơ 

Chất xơ chiếm khoảng 25-75% trọng lượng khô của rong nâu, cao hơn hầu hết trái cây, rau quả khác. Chúng hỗ trợ tiêu hóa, tạo nguồn thức ăn cho vi khuẩn ruột già, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. 

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy loại đường đặc biệt polysaccharides sulfated trong rong nâu, được chứng minh làm tăng sự phát triển của lợi khuẩn đường ruột. Các polysaccharide này cũng có thể giúp tăng sản xuất axit béo chuỗi ngắn (SCFA) nuôi dưỡng tế bào thành ruột. 

Calo thấp

Rong nâu tạo ra rất ít calo, tốt cho người thừa cân, béo phì. Một số nghiên cứu cho thấy, chất chống oxy hóa fucoxanthin làm tăng protein chuyển hóa chất béo, giúp giảm mỡ cơ thể. Chất xơ trong rong nâu cũng có tác dụng làm chậm hoạt động của dạ dày, khiến bạn cảm thấy no lâu hơn và trì hoãn cơn đói.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim gồm cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc và thừa cân, béo phì. Rong nâu có thể giúp giảm mức cholesterol xấu trong máu. 

Bệnh tim cũng có thể xuất phát từ hiện tượng đông máu quá mức. Rong nâu chứa một loại carbohydrate có tên fucans, có thể giúp ngăn ngừa đông máu hiệu quả, trong khi các chất peptide trong thực phẩm này có khả năng giảm huyết áp cao. 

Rong nâu chứa chất alginate có thể làm giảm sự hấp thụ đường vào máu, ngăn chặn bệnh tiểu đường. 

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 

Rong nâu có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu. Nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên 60 người Nhật cho thấy chất fucoxanthin có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết. Những người bổ sung 2mg fucoxanthin cải thiện đường huyết tốt hơn so với nhóm không dùng. 

Rong nâu chứa chất alginate làm giảm sự hấp thụ đường vào máu, phòng ngừa tiểu đường. Rong nâu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên Health Line khuyến cáo ăn quá nhiều rong có thể gây dư thừa iốt, ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Nếu bạn muốn sử dụng rong nâu để hỗ trợ điều trị ung thư hay cải thiện các bệnh mạn tính, nên sử dụng các chế phẩm đã tách bỏ iốt. 

Rong nâu cũng có thể tích lũy kim loại nặng do sinh trưởng ở dưới biển. Health Line khuyên, nếu có thể, nên sử dụng các loại rong hữu cơ, trồng ở các vùng biển hoang sơ gần đảo Okinawa (Nhật Bản), Patagonia (Argentina), Tasmania (Australia), Nova Scotia (Canada) và Bắc Đại Tây Dương... nổi tiếng là sạch trên thế giới.

Xem thêm chi tiết từ nguồn từ báo VN Express: https://vnexpress.net/ly-do-nen-an-rong-nau-4000131.html